Bà chúa Trầm Hương

thanh_mau_thien_y_a_na

Vì những giá trị dược liệu quý hiếm, nên kỳ nam thường rất đắt. Do vậy, để đánh giá các hạng kỳ nam khác nhau, dân gian đã đúc kết thanh kinh nghiệm: “nhất bạch, nhì thanh, tam huỳnh, tứ hắc”. Còn trầm thì được phân thành 4 loại: trầm mắt kiến có lỗ, có hang do kiến đục làm tổ trước khi cây thành trầm; trầm rễ do rễ cây sinh ra; trầm mắt tử kết tạo trên nhánh cây và cuối cùng là trầm tốc ở trên thân cây (loại trầm có nhiều nhất và phổ biến nhất trên thị trường). Ngoài ra, người ta con có thể phân biết kỳ tốt hay kỳ xấu bằng những cảm nhận sau: loại nào nhuyễn mịn và có nhiều chất dầu là tốt nhất, còn loại nào rắn chắc là xấu. Người ta còn có cách nữa để nhận biết kỳ xấu và tốt là gói kỳ trong lá chuối thật kín, đem phơi nắng, đến tối đem vào, nếu có nhiều chất dầu chảy ra là thứ tốt.

Không chỉ biết phân biệt giá trị của các loại trầm hương, người Việt vùng Khánh Hoà còn rất có kinh nghiệm  về những điều kiêng kỵ khi đi lấy trầm. Do đi nhiều và sử dụng nhiều để buôn bán và để dùng, người dân Khánh Hoà biết trầm ở đâu trong tỉnh mình là tốt nhất. Tri thức dân gian đó đã được đúc kết vào câu ca dao: “Cây quế Thiên Thai mọc ngoài khe đá, trầm nơi Vạn Giã hương toả sơn lâm…”

Vì đi lấy trầm là phải đi lâu ngày và phải vào rừng sâu, núi thẳm nên người đi tìm trầm, ngoài lương thực còn phải mang theo loại thuốc đặc biệt chống khí độc rừng núi, trị các bệnh hiểm nghèo, phòng rắn rết…được gọi là ngải do các ông “thầy mo” miền thượng (Tây Nguyên) bán cho. Khi đi vào rừng tìm trầm , người đi điệu phải ngậm ngải vào miệng. Vì thế mới có câu “ngậm ngải tìm trầm”. Rồi thì, theo tương truyền, trước khi đi tìm trầm, người đi điệu phải xem được ngày tốt mới xuất hành, phải ăn chay ba ngày trước và phải sắm lễ vật vào rừng dâng lễ cầu khấn Ba Thiên Y A Na là vị chúa tể các khu rừng Khánh Hoà (xứ Kauthadra của Chiêm Thành) đồng thời cũng chính là hiện thân của cây trầm để cầu xin Bà cho được thành công…

Như vậy là, các tài liệu lịch sử của Trung Quốc, Việt Nam… đã cho biết, Vương quốc Chămpa xưa là nơi có nhiều trầm hương và trầm hương của Chămpa đã nổi tiếng trên thị trường quốc tế từ rất sớm. Sử liệu còn cho biết về một nơi cụ thể có trầm hương vào loại tốt nhất của Chămpa là vùng đất Khánh Hoà xưa. Không chỉ để buôn bán, để làm thuốc, và để làm phương vật triều cống, trầm hương còn được người Chămpa xưa và người Chămpa hiện nay sử dụng nhiều trong các lễ thức cúng thần.

Các bia ký cổ của Chămpa ở khu vực đền Pô Nagar (Tháp bà ở Nha Trang) không ít lần nói đến việc các vị vua dâng cúng các đồ vật quý cho các thần. Và trong các đồ vật quý đó, thường hay có các bình bằng vàng để đốt trầm hương. Ví dụ trong bài bia ký của vua Rudravaman III, khắc năm 972 saka (1050), có nói tới một trong những đồ vật yêu quý mà nhà vua dâng cúng cho ngôi đền là một chiếc bình bằng vàng để đốt trầm. Còn ngày nay, trong các lễ thức cúng thần của người Chăm, trầm luôn được dùng để đốt lên cầu các thần xuống nhận lễ. Trong các lễ cúng thần, trầm trì được đốt lên, còn các chủ lễ thì vừa đánh nhạc vừa khấn cầu các thần về.

Chắc chắn là người Việt ở Khánh Hoà đã tiếp thu nhiều điều từ người Chămpa trong việc sử dụng và khai thác trầm hương. Và, không còn nghi ngờ gì, như các tư liệu tín ngưỡng dân gian của người Chăm và người Việt mà chúng tôi sẽ dẫn ra dưới đây để chứng minh, Pô Inư Nưgar của người Chăm (mà người Việt gọi là Thiên Y A Na) không chỉ là nữ thần sinh ra cây trầm hương, loại cây hương liệu nổi tiếng trên thế giới của Chămpa ngày xưa và của Việt Nam ngày nay. Thế nhưng, vấn đề mà chúng tôi quan tâm là vì sao và khi nào cây trầm hương lại trở thành một “tạo vật” và một “hoá thân” của thần mẫu Pô Nagar?

Rất tiếc là các tài liệu bia ký ở khu đền Pô Nagar chỉ cho biết Pô Inư Nagar là nữ thần mẹ của xứ Kauthara (nay là tỉnh Khánh Hoà) chứ không nói gì tới việc nữ thần là mẹ của cây trầm hương. Sau này khi tiếp nhận vị thần này của người Chăm để tiếp tục thờ phụng, người Việt-vẫn theo tinh thần của người Chăm- gọi Pô Inư Nagar là Thiên Y Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Thế nhưng, trong các bài cúng mà các ông thầy người Chăm thường tụng trong các dịp cúng lễ thần hiện nay, nữ thần Pô Nagar hiện lên không chỉ là Thần Mẫu tạo lập ra xứ sở và vạn vật mà còn là thần Mẹ của cây trầm hương.

Ngay từ đầu thế kỷ XX, ông Cabaton đã sưu tầm được bài cúng nữ thần có nội dung như sau: “Ngày xưa, thần Inư Nưgar sinh ra đất, gỗ trầm, lúa gạo. Gỗ trầm, gỗ kỳ nam từ Yan Inư Nưgar mà phát hương thơm toả ra. Không gian bao quanh, từ Yan Inư Nagar, nức hương thơm của lúa…”. Rồi thì sự gắn kết giữa nữ thần với cây trầm còn được thể hiện trong các truyền thuyết về Pô Nagar hay Thiên Y A Na của người Chăm và người Việt thông qua các chi tiết nữ thần nhập thân vào cây trầm rồi từ cây trầm hiện thân ra.

Không chỉ trong các thư tịch cổ hay trong các bài cúng mà trên thực tế, người Việt ở Khánh Hoà, nhất là những người đi tìm trầm cho đến hôm nay vẫn tin rằng trầm hương (kỳ và trầm) là của bà Thiên Y A Na. Ngoài ra, những người đi tìm trầm còn truyền rằng Bà có 4 cây trầm hương kỳ cựu trấn ở 4 phương trong vùng đất Khánh Hoà: Một ở Đồng Bò trấn phía Nam; một ở Hòn Bà (Ninh Hoà) trấn phía Bắc; một ở Hòn Dữ (huyện Diên Khánh) trấn phía đông. Những cây trầm này, theo dân gian truyền tụng, không còn lá, không còn giác, mưa nắng không thể làm hư mục được và có chim muông, cọp rắn canh giữ không cho ai lấy.

Những người đi điệu tin rằng, vì trầm hương là của Bà Thiên Y A Na, nên Bà cho ai thì người ấy được; còn nếu Bà không cho thì dù người đó có đứng bên cây trầm cũng không tìm thấy. Bởi vậy, trước khi đi tìm trầm, người đi điệu phải dâng lễ cúng Bà.

Rồi thì, một số danh thắng nổi tiếng của tinh Khánh Hoà cũng có những gắn kết với thần mẫu trầm hương Thiên Y A Na. Ví dụ, Hòn Bà nằm ở phía tây anm huyện lỵ Ninh Hoà, nơi có nhiều trầm hương, là núi mà dân địa phương coi là của Bà Thiên Y A Na nên gọi la núi Bà. Trên núi có miếu thờ. Dân đi tìm trầm, trước khi vào rừng đều phải đến miếu cầu khấn để xin Bà ban phước được gặp trầm.

Nằm sát Ninh Hoà và Diên Khánh, có núi Hòn Dữ. Vì là núi của Bà Thiên Y, nên rừng Hòn Dữ có rât nhiều trầm hương. Tại suối Đổ (trong địa phận làng Phước Trạch, vùng phía tây dãy núi Hoàng Ngưu) có những truyền thuyết nói đây là nơi mà Bà Thiên Y hay đến ngồi hóng mát và là nơi có cây trầm hương to đến 4 người ôm và dài đến hơn 10 thước, thường toả hương trầm ngan ngát khắp nơi. Tại đây, ở nơi hồ thấp nhất trong ba hhồ, có đền thờ Bà Thiên Y.

Suối Cát thuộc địa phận huyện Ninh Hoà cũng được tương truyền là nơi Bà Thiên Y hay đến ngồi hóng mát. Xung quanh nơi đây có rât nhiều cây dó (giống cây sinh ra trầm hương) và có rất nhiều cọp. Mà, theo dân gian truyền lại, trong số cọp này có những người ngậm ngải tìm trầm lâu ngày không về được phải hoá thành cọp sau khi ngải tan hết. Một địa danh nữa có tên là Suối Ngổ ở phía đông bắc Diên Khánh cũng là nơi được coi là vùng lãnh thổ của Bà Thiên Y A Na vì ở đó có nhiều cây dó sinh trầm hương.

Như vậy là, các nguồn tư liệu khác nhau từ xưa tới giờ đều khẳng định, vùng đất Khánh Hoà do được thiên nhiên ưu đãi đã sản sinh ra một trong những loại lâm sản quý độc nhất vô nhị trên thế giới: kỳ nam. Chính trầm hương (chủ yếu là kỳ nam) có xuất xứ từ vùng đất Khánh Hoà của Chiêm Thành xưa kia và người Việt sau này, từ những thế kỷ đầu công nguyên cho đến nay, luôn có tiếng trên thế giới và luôn được thị trường quốc tế ưa chuộng. Và, xét về mặt tín ngưỡng dân gian, cây trầm hương được người Chiêm xưa và người Việt sau đấy đều coi là do nữ thần Mẹ Pô Inư Nưgar hay Thiên Y A Na của xứ Kauthadra sinh ra. Thế nhưng vì sao nữ thần Mẹ Pô Nagar lại có một hoá thân là thánh mẫu của cây trầm hương?

Tất nhiên, đã là nữ thần mẹ thì Pô Nagar hẳn sẽ phải là người sáng tạo ra vạn vật rồi. Nhưng, vấn đề lý thú và cũng rất đặc biệt ở đây là việc nữ thần Pô Nagar lại là thần mẹ của cây trầm hương và ngược lại, cây trầm hương lại luôn là đối tượng để nữ thần hoá thân vào. Rồi thì, ngoài là đấng sáng tạo, trong trường hợp với cây trầm hương, nữ thần Pô Nagar đồng thời còn là một “anh hùng văn hoá”- người bảo hộ cho cây trầm hương và nghề tìm trầm. Và, theo chỗ chúng tôi được biết, ở Việt Nam (cũng có thể ở cả khu vực Đông Nam Á?) không có một hình thức kết hợp nào vừa rất cụ thể vừa rất hoàn hảo (cả về lý tưởng và hình ảnh) giữa nữ thần mẹ với cây như trường hợp của nữ thần Pô Nagar và cây trầm hương. Theo nghiên cứu của chúng tôi, hiện tượng đặc biệt này phần nào được nảy sinh ra từ chính một loại cây cũng rất đặc biệt là cây trầm hương.

Trước hết, phải nói rằng trầm hương là do cây dó sinh ra. Thế nhưng, không phải giống cây dó nào cũng sinh ra trầm hưong. Rồi thì cách tạo trầm hương của các cây dó cũng rất đặc biệt. Dân gian truyền rằng, hương trời bay theo gió đáp vào thân cây, ban đầu dính ngoài vỏ rồi ăn dần vào thịt cây. Lâu ngày, thịt cây thấm hương trời biến thành trầm hương. Dân gian cũng cho rằng cây dó sinh ra trầm là vì thân cây hoặc rễ cây bị thương tích. Khi cây bị thương, chất dầu trong cây tụ lại để chống lại sự phá hoại của vết thương. Khi vết thương lành rồi, chất dầu đọng lậi đó dần dần biến tính và thành trầm. Những cây dó có trầm thường bị xơ xác và thân có u, có nầng. Nhiều cây nổi phồng ra như “ruột chửa” hoặc như bắp chuối. Đó là nói theo dân gian. Còn theo khoa học thì sao?

Khoa học đã khẳng định, như trong dân gian nhận thức, trầm hương và kỳ nam là phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm sinh ra từ thân cây dó mọc nhiều trong những cánh rừng già của Việt Nam. Những cây dó có thể sống lâu và phát triển to lớn thành cổ thụ. Cây dó có 2 loại: dó bầu (tên khoa học là Aquilaria crassna) và dó gách hay còn gọi là dó niệt ( Aquilaria malaccéní). Dó gạch cũng cho trầm nhưng mùi thơm nồng, hắc, có vị tanh và giá trị thấp. Chỉ có dó bầu mới cho trầm tốt và kỳ nam.

Cây dó bầu cao từ 10 – 40m, vỏ xám, thân thẳng ít nhánh. Dó bầu là loại cây ưa ẩm, chịu bóng râm, thường phân bổ ở độ cao từ 300 -600m so với mặt biển. Thế nhưng không phải bất kỳ cây dó nào cũng tạo thành trầm hương. Về nguyên lý, như dân gian đã đúc rút, để cây dó tạo thành trầm hương phải có 2 yếu tố. Một là cây bị chấn thưong cơ giới mạnh, như bị các vật cứng găm vào hay chặt sâu vào thân cây, những lỗ hổng lớn do sâu bệnh đục khoét, những chỗ gẫy cành, gẫy ngọn…Hai là, tại những nơi chấn thương ấy, sau một thời gian dài từ 10 -15 năm, dưới tác động mỗi ngày một ít của những chỉ tiêu sinh thái đặc biệt, những bào tử sẵn có nằm trong không gian môi trường tác động vào vết thương gây ra phản ứng hoá học bên trong cây đó và từ đó tạo thành trầm hương (tuỳ theo mức độ tác động mà có trầm tốt hay xấu)

Người xưa đã biết ít nhiều về quá trình cây dó biến thành trầm nên những khi đi điệu, gặp những cây dó bầu chưa ăn trầm, họ thưòng chém vào rễ, thân hoặc nhánh cây với hi vọng sau đó cây sẽ được tạo trầm. Ngay từ thế kỷ XVIII, dựa vào các sách vở ghi chép của tiền nhân, Lê Quý Đôn đã viết về cây trầm hương như sau: “Trầm hương cây giống như cây thông cây gạo, có nhiều mắt, lấy thì trước chém gốc cây, để lâu năm vỏ và thân đều nát, ruột và mắt không nát là trầm hương.”

Qua những ghi chép xưa, những tri thức dân gian và những cứ liệu khoa học, có thể dễ dàng nhận thấy những nét đặc trưng ít nhiều mang tính “thần kỳ” của cây trầm hương. Trứơc hết, cây chủ tạo nên cây trầm hương là một loại cây cổ thụ lâu năm như cây thông cây gạo, có nhiều mắt và mọc trong rừng già. Thế nhưng, để thành cây trầm hương, cây dó phải bị chấn thương cơ giới để “hương trời” đáp vào rồi ăn dần vào thịt. Thế rồi, theo thời gian, chất nhựa của cây biến chế và di chuyển  “hương trời” đi nhiều nơi, lâu ngày thịt cây thấm hương thành trầm. Khi đã thành trầm hươngẩồi thì thân cây dó có u có nấng, thậm chí nổi phồng ra như “ruột chửa” hoặc như bắp chuối.

Theo suy nghĩ của chúng tôi, có lẽ khó tìm thấy trong kho tàng thần thoại của thế giới một hình ảnh mang tính biểu tượng nào hoàn hảo đựơc như cây trầm hương để diễn tả và mô tả ý tưởng về tính phồn thực của thần Mẹ sáng tạo. Có thể thấy ở cây trầm hương sự trường tồn cùng sức mạnh và chu trình sáng tạo mang tính phồn thực của cây sự sống (một biến thể thường hay gắn với hình ảnh của cây vũ trụ) phổ biến trong thần thoại của nhiều dân tộc trên thế giới.

Rồi thì, không chỉ mang trong mình những hình tưọng khá hiện thực về sự trường tồn (cây cổ thụ) vì chu trình sinh sản (cây= âm kết hớp với hương trời = dương thông qua một “cơ quan sinh sản” (vết thương cơ giới của cây), hương khói trầm hương cò là phương tiện để người trần giao thông với thế giới thần linh.

Do vậy, với tất cả những phẩm chất và những hình tưọng “thần kỳ” vốn có của mình, cây trầm hương dễ và rất xứng đáng được cư dân của “xứ trầm hương” chọn làm biểu tượng của “cây sự sống” trong đời sống tâm linh của mình.

Chính vì thế mà không phải ngẫu nhiên, nơi phát tích của nữ thần Pô Nagar – nơi duy nhât của Việt Nam và của cả thế giới có trầm hương, đặc biệt là kỳ nam – lại được mệnh danh và nổi tiếng của xứ trầm hương. Còn nữ thần Mẹ xứ sở của nơi này lại được coi là thần Mẫu của cây trầm hương, và ngược lại, cây trầm hương cúng coi như hiện thân của nữ thần Mẹ.

Như nhiều thần thoại và nhiều tôn giáo sơ khai khác trên thế giới, sự chuyển hoá của cây trầm hương thành “ cây sự sống: trong đời sống văn hoá của cư dân xứ trầm hương Khánh Hoà là điều tất yếu và hợp quy luật. Hình tượng nổi bật và dễ thấy nhất của “cây sự sống” trong thần thoại của nhiều dân tộc trên thế giới là hình tượng được lấy từ trong thế giới thực vật, mà cụ thể là trong số những cây có cuộc sống trường thọ hơn con người.

Các cây thường đựoc dùng làm hình tượng cho “cây sự sống” là các giống cây sống lâu thành cổ thụ như sồi, tuyết tùng, diệp tùng, bá hương, liễu, bồ đề…Và, theo quan niệm của dân gian, trong các cây này, thường là trong lõi, có ẩn dấu sự sống bất tử. Rồi thì, “cây sự sống” đựơc dùng để thể hiện hình tượng cho một nhân vật nữ (mẹ), hay tinhý nữ (cơ quan sinh sản) – nguồn gốc tạo ra sự sống.

Ngoài ra, trong nhiều thần thoại khác nhau trên thế giới, “cây sự sống” đựơc gắn kết chặt chẽ với một nữ thần tạo ra sự sống…Đến đây, vấn đè còn lại là khi nào cây trầm hương trở thành “ cây sự sống” và khi nào thì “cây sự sống” trầm hương này được nhập vào thần Mẹ xứ sở Pô Nagar?

Chắc hẳn, xét về lý thuyết, cây sự sống phải xuất hiện từ rất sớm trong đời sống tôn giáo tín ngưỡng của cư dân bản địa ở Khánh Hoà. Thế rồi, khi Sharkti hay Devi của Bàlamôn giáo trở thành thần mẹ của xứ Kauthadra, thì cây trầm hương đã hoà kết vào với hình tượng nữ thần Pô Nagar. Theo chúng tôi, quá trình hoà kết này diễn ra rất đúng quy luật của tư duy thần thoại và tôn giáo sơ khai phổ biến trên thế giới mà nhiều dân tộc đã trải qua.

Như vậy là, với những ưu đãi đặc biệt của thiên nhiên, vùng đất tỉnh Khánh Hoà đã góp cho nhân loại một loại cây hương liệu đặc biệt: cây trầm hương cùng một hình ảnh biểu tượng huyền thoại thật đẹp và cũng thật đặc biệt: cây sự sống của thần Mẹ xư sở Pô Nagar (Thiên Y A Na). Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà từ xưa đến nay, Khánh Hoà được nổi danh là “xứ trầm hương” và nữ thần Pô Nagar, nữ thần Mẹ xứ sở còn đựoc gọi là thần Mẫu trầm hương.

(Nguồn: Trầm Hương Khánh Hoà)