“Tổ ấm” của những người làm nghề sào chĩa

Vùng biển Khánh Hòa có hơn 200 hòn đảo lớn, nhỏ thấp thoáng đuổi theo nhau, tựa như bức bình phong, tạo thế đất bình yên tuyệt mỹ. Đảo Khánh Hòa còn nổi tiếng vì đã quyến rũ được loài chim yến bé nhỏ mà mạnh mẽ, cao sang đến làm tổ. Vâng, chim yến quí hiếm đến mức người ta không còn nhớ tên riêng của mỗi đảo, ai cũng gọi những ngọn núi dựng đứng giữa trời và biển ấy là đảo yến. Thật tuyệt vời, bởi người dân Khánh Hòa đã biết tận dụng ưu thế đặc biệt này, vừa khai thác nguồn lợi tự nhiên để làm giàu, vừa giữ gìn an ninh lãnh thổ.

Dao Yen 1

Cụm đảo yến cách Nha Trang non 13 hải lý, từ cảng cầu Đá, sau 2 giờ đồng hồ theo tàu… lả lướt “dạo” một đường trong vịnh biển, mọi người mặc sức khám phá “vương quốc” của loài chim yến. Sử sách chép rằng, nghề khai thác và chế biến nguồn lợi yến sào đã hình thành, phát triển tại Khánh Hòa cách nay gần 700 năm. Theo thời gian, con người ngày càng thông minh hơn và cung cách cai quản đảo yến cũng văn minh hơn, nhưng đến nay vẫn chưa ai sáng chế được phương tiện khai thác yến sào thay thế những cây sào tre. Vậy nên, nghề hái tổ yến còn được gọi là nghề “sào chĩa”. Trước ngày giải phóng, “vương quốc” yến sào chỉ thu gọn trên 8 hòn đảo, nhưng hiện tại, Công ty TNHH MTV yến sào Khánh Hòa đã và đang quản lý, khai thác 32 đảo yến với khoảng 170 hang yến lớn, nhỏ.

Chim yến tiết nước bọt làm tổ trên vách đá. Tổ yến bám rất chặt trong những hang đảo sâu thăm thẳm giữa trùng khơi. Những người làm nghề “sào chĩa” phải quan sát, tính toán rất kỹ mới chọn được “địa thế” làm nhà gần của hang. Bất kể cao hay thấp, gần hay xa, muốn dựng nhà, phải đu dây, leo lên vách đá, đóng nọc vào thân núi, neo sàn nhà vào từng cọc, để từ đó, cắm sào…tụt xuống, tìm đường đến hang. Vật liệu xây dựng “tổ ấm” của công nhân khai thác yến sào chủ yếu là tre, nứa, bẹ dừa, ván gỗ…, gần đây có sử dụng tấm lợp bằng tôn, nhưng vẫn không thay thế được mái lá truyền thống.

Dao Yen 2

Ngày trước, chọn nghề hái yến cho chủ thầu, nghĩa là chấp nhận giam lỏng cuộc sống giữa biển khơi, còn bây giờ công nhân được bố trí trực luân phiên, ai cũng có điều kiện về đất liền nghỉ dưỡng và chăm sóc tổ ấm gia đình. Hai thập niên gần đây, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã triển khai kế hoạch kiên cố hóa những “công trình” canh giữ đảo yến.

Chênh vênh, chon von…, rơi cái này, treo cái khác, đã gần 7 thế kỷ trôi qua, đảo yến vẫn còn đó, đời người như ngọn gió! Nếu có dịp đến Nha Trang, bạn hãy chọn tour du lịch đảo yến, tha hồ ngắm tổ ấm của những người làm nghề sào chĩa, để hiểu rằng khai thác yến sào cũng là một nghề vô cùng lãng mạn lẫn hiểm nguy.

Theo Lao động online