Vua Hùng – Thủy Tổ của người Việt
Vua Hùng là nhân vật minh triết trong tâm khảm của người Việt. Ông được tôn là Vua, là minh chủ đồng thời là Thủy Tổ – Tổ của dân, của nước.Thờ cúng Hùng Vương/ Vua Hùng đã trở thành tín ngưỡng bản sắc văn hóa đặc trưng của người Việt.
Từ ngàn xưa và mãi mãi mai sau, trong tâm thức của người Việt “Vua Hùng”, “Tổ Hùng”, “con Lạc cháu Hồng”, “con Rồng cháu Tiên”, “dòng dõi Lạc Hồng”… luôn luôn là biểu tượng cao đẹp thiêng liêng. Đó là biểu tượng thiêng liêng nhất, cao đẹp nhất trong đạo lý nhân bản “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” với quan hệ đồng tộc, đồng bào.
Chủ nhân của tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng là người Việt ở Phú Thọ. Họ tôn thờ Vua Hùng như bậc Thánh Vương trong các đình, đền, miếu được xây dựng tại các làng, xã. Từ Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì là tâm điểm, tín ngưỡng này đã lan tỏa tới các tỉnh, thành trong cả nước và một số cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Khởi nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, người Việt đã thờ cúng Vua Hùng là Thủy Tổ khai sinh dân tộc, đất nước. Ý thức tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng đã thấm vào máu thịt của cộng đồng người Việt, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hình tượng Vua Hùng đã gắn chặt với hồn thiêng sông núi đất Việt. Thánh Tổ Hùng Vương do nhân dân tôn vinh được các triều đình quân chủ phong kiến và nhà nước đương đại đồng thuận. Trên bình diện ý thức dân tộc ấy Thánh Tổ Hùng Vương được truy phong bằng các mỹ tự: Đột Ngột Cao Sơn Thánh Vương, Viễn Sơn Thánh Vương, Ất Sơn Thánh Vương hay việc đồng nhất Hùng Vương với các vị thần núi ở các vùng miền khác trong pham vi cả nước.
Vua Hùng gắn với người Việt không chỉ bởi ánh hào quang của lịch sử mà đó chính là sự phản chiếu hình ảnh của ông Vua mở nước, quy tụ thần linh, gắn kết lòng người bằng huyết tộc – đồng bào. Vua Hùng được cộng đồng tôn vinh là Thủy Tổ của người Việt và được khoa học ghi nhận là người đứng đầu Nhà nước Văn Lang trong buổi bình minh của lịch sử Việt Nam.
Giỗ Tổ Hùng Vương – Tín ngưỡng bản sắc văn hóa đặc trưng
Xuất phát từ đạo lý văn hóa “Ẩm hà tư nguyên/ Uống nước nhớ nguồn”; Thờ cúng Vua Hùng/ Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành tín ngưỡng văn hóa đặc trưng, mang tính bản địa sâu sắc của người Việt. Ngày Giỗ Tổ không chỉ đơn thuần là ngày con cháu bốn phương hội tụ thắp hương cúng giỗ Tổ tiên mà còn là ngày giao lưu văn hóa giữa các vùng miền cùng biên cõi.
Trên khắp mọi nẻo đường, mọi vùng quê, chốn đầu non ngọn suối, trong tâm thức của người dân đất Việt đều khắc cốt ghi xương, sâu đậm ký ức thiêng liêng về một cội nguồn chung:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng 3
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.”
Thế kỷ XV (năm 1470) nhà Hậu Lê cho biên soạn Ngọc Phả Hùng Vương với tên gọi đầy đủ là: “Hùng đồ thập bát diệp Thánh Vương ngọc phả cổ truyền/Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh Vương triều Hùng” đã xác định vị trí độc tôn dựng nước, sinh dân thuộc về các Vua Hùng. Cũng chính thức từ đây Đền Hùng được xác định là trung tâm/vùng lõi tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng của Người Việt.
Với quan niệm văn hóa tâm linh “con cháu ở đâu thì ông bà, tổ tiên ở đấy”. Người Việt đã thờ cúng Vua Hùng như sự hiện diện đặc trưng bởi ý thức tự cường của một quốc gia hưng thịnh. Theo “Nam Việt thần kỳ hội lục” chép năm 1763; tới thế kỷ XVIII ở nước ta mới có 73 làng thờ cúng Hùng Vương, vậy mà tới năm 2005 theo sách “Những di tích thờ Hùng Vương ở Việt Nam” của Cục Văn hoá Thông tin cơ sở – Bộ Văn hoá – Thông tin đã có 1417 nơi thờ Hùng Vương và các nhân vật liên quan thuộc Triều Hùng.
Trong ký ức của người Việt – Vua Hùng được khắc hoạ là một minh quân, ông vua mở nước, sinh dân, dựng làng, dựng nước… để rồi lưu truyền, tiếp nối các thế kỷ sau chính Vua Hùng đã trở thành Thủy Tổ của người Việt, sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra 100 người con trai – hình thành nên khái niệm, nghĩa “đồng bào”.
Giỗ Tổ Hùng Vương – Tri ân công đức Tổ Tiên đã trở thành tín ngưỡng bản sắc văn hóa đặc trưng của người Việt và trở thành minh triết trong văn hoá Việt Nam.
Hướng về Đất Tổ – Cố kết cộng đồng dân tộc
Thành kính tri ân công đức Tổ tiên, ông cha ta đã ghi tạc câu đối treo tại lăng Hùng Vương:
“Lăng tẩm tự năm nào, núi Tản, sông Đà, non nước vẫn quy về Đất Tổ
Văn minh đương buổi mới, con Hồng, cháu Lạc, giống nòi còn biết khấn mồ Ông”
Đó là tiếng nói chung, tiếng núi nhân bản, là sự tự ý thức về nguồn cội của các thế hệ con cháu các Vua Hùng. Tất cả đều là đồng bào, là người trong một nước, cùng một Tổ, chung cội, chung giàn. Quan hệ đó đã đem lại tâm lý yêu thương, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, thủy chung với nhau, cùng tồn tại và phát triển bền lâu; tạo nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Sức mạnh đó đã đưa dân tộc ta lên đỉnh vinh quang của lịch sử, sánh vai với các cường quốc năm châu, bốn biển. Trải qua hơn 1000 năm bị phong kiến phương Bắc xâm lược đô hộ; hàng trăm năm bị thực dân, đế quốc thống trị; đất nước này không những không bị diệt vong mà quốc gia Việt Nam vẫn vững vàng, tồn tại và phát triển; văn hoá Việt Nam không những không bị đồng hoá mà trái lại đã dung nạp và làm chuyển hoá văn hoá ngoại lai, tiếp thu sự tinh tuý của văn hoá ngoại lai để hoà đồng phát triển cùng văn hoá dân tộc. Đó là sự thể hiện sức mạnh phi thường của dân tộc, sức mạnh đó được hình thành và đang phát triển bởi văn hiến hàng ngàn năm của dân tộc; văn hiến đó là sức mạnh của con người, của tinh thần đoàn kết cộng đồng được hình thành bằng ý thức vững vàng về nguồn cội, về quốc gia, dân tộc…, từ một gia tài quý báu do Tổ tiên để lại. Cộng đồng đó, dân tộc đó đã trao truyền cho nhau ngọn lửa thiêng Đất Tổ, tình yêu quê hương đât nước, nguyện quyết chí bảo vệ, giữ gìn non sông đất nước như của thiêng vật báu, không cam chịu để cơ nghiệp của Tiên Tổ rơi vào tay kẻ địch.
Trải qua bao biến thiên của lịch sử, bao lần đất nước bị xâm lăng; bị thiên tai huỷ hoại; song trong cuộc vật lộn cam go ấy, gian khổ ấy ý thức cộng đồng càng được hun đúc, cố kết thành chân lý:
“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại thành hòn núi cao”
Từ trong gian khó ấy, người Việt càng thấm thía giá trị của lao động và hy sinh xương máu, của sức mạnh tiềm ẩn trong nền văn hoá dân tộc – văn hoá cội nguồn; càng thiết tha yêu quê hương đất nước, sống với người có thủy có chung; càng thấm thía biết ơn công lao dựng nước của các Vua Hùng. Hay nói đúng hơn, ý thức cộng đồng dân tộc được hun đúc và bồi đắp từ thời Hùng Vương dựng nước, từ trong gia đình, thân tộc, dòng họ, láng giềng, hàng xóm rồi cả nước. Ý thức đó được trao truyền cho nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác, đã tạo nên sức mạnh đoàn kết – sự cố kết cộng đồng – sức mạnh toàn dân tộc. Sức mạnh đó đã tạo thành nguồn lực hùng cường để dân tộc Việt Nam vững vàng bảo vệ và xây dựng đất nước qua hàng ngàn năm lịch sử.
Biết ơn Tổ tiên – thành kính tri ân công đức Tổ tiên, con cháu các Vua Hùng, đồng tộc “đồng bào”, cùng nhau thờ cúng Tổ tiên – Giỗ Tổ Hùng Vương.
Giỗ Tổ Hùng Vương là sự khẳng định tín ngưỡng bản sắc văn hoá đặc trưng của người Việt và trở thành động lực tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Văn hoá ấy, nền tảng đạo lý ấy ngày càng được củng cố, phát triển đã trở thành lẽ sống, đạo đức, niềm tin cho các thế hệ người Việt và trở thành sức mạnh vô địch của cộng đồng Việt Nam vững bước trên con đường công nghiệp hoá- hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Nguồn: tramhuongkhanhhoa.vn
http://www.tramhuongkhanhhoa.com.vn/tin-nguong-tho-cung-hung-vuong-ban-sac-van-hoa-dac-trung-cua-nguoi-viet-62-67-2-article.html